Văn bản  |  Album ảnh  
VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0383.844572

Văn phòng - 0383.844572
Hôm nay: 531  - Tất cả: 3,890,047
 
 
HOẠT ĐỘNG CỦA TUỔI TRẺ THÀNH PHỐ | TIN TỨC HOẠT ĐỘNG Bản in
 
Nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin
Tin đăng ngày:15/07/2022 - Xem: 121
 

Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị học Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là một hệ thống lý luận và phương pháp luận khoa học, được kết tinh từ những thành tựu trí tuệ, tinh hoa văn hóa của nhân loại; không chỉ nhận thức thế giới, mà còn cải tạo thế giới phù hợp với những quy luật khách quan. Quá trình hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin luôn gắn với cuộc đấu tranh phản bác các trào lưu tư tưởng phi mác xít, phản mác xít, chủ nghĩa cơ hội - xét lại với những biến dạng tinh vi, khó lường. Đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin là quy luật trong quá trình ra đời và phát triển. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Không có gì là lạ nếu học thuyết của Mác, một học thuyết trực tiếp dùng để giáo dục và tổ chức giai cấp tiên tiến của xã hội hiện đại, đã vạch ra nhiệm vụ của giai cấp ấy và chứng minh rằng, do kinh tế phát triển, những trật tự mới nhất định sẽ thay thế chế độ hiện tại; không có gì là lạ nếu mỗi bước tiến của học thuyết ấy trên con đường sinh tồn đều phải kinh qua chiến đấu”(1).

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô, cũng như tương quan lực lượng dường như có lợi cho chủ nghĩa tư bản từ sau chiến tranh lạnh đã được các học giả tư sản, chủ nghĩa chống cộng triệt để lợi dụng, công kích, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đó là “dấu chấm hết”, là “sự cáo chung” và “kết thúc trong thế kỷ XX”. “Bám đuôi”, “ăn theo” với chúng là những phần tử cơ hội, xét lại. Vì thế, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên khó khăn, nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Hoạt động giảng dạy lý luận Mác - Lênin trong các cơ sở giáo dục, đào tạo ở nước ta có những ưu thế thể hiện tính chiến đấu trong hệ thống lý luận khoa học về những nguyên lý, quy luật chung nhất là cơ sở, phương pháp luận để luận giải sự vận động, biến đổi và phát triển tất yếu của xã hội loài người, được thay thế bởi các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao; là lý luận khoa học và cách mạng xoay quanh tính tất yếu, nội dung, cách thức, biện pháp, phản ánh những quy luật và tính quy luật chính trị - xã hội trên con đường đi tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Thông qua hoạt động giảng dạy với những phương pháp dạy học tích cực, hiện đại, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, một mặt tiếp tục khẳng định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa Mác - Lênin; mặt khác, định hướng, bồi dưỡng, giác ngộ cho người học về nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách khoa học, bài bản, thực chất, hiệu quả. Với ưu thế về nội dung, phương pháp, đối tượng thể hiện tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay”. Từ quán triệt sâu sắc đến vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào thực tiễn là một quá trình chuyển biến nhận thức và hành động. Không thể vận dụng đúng đắn, sáng tạo nếu như nhận thức chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc bản chất tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thực tiễn giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các học viện, nhà trường lớn đã thể hiện tính chiến đấu ở các mức độ khác nhau tùy theo cấp học, bậc học và đối tượng học tập. Quá trình giảng dạy, người dạy đã lồng ghép giữa truyền thụ tri thức lý luận, thực tiễn về lý luận Mác - Lênin với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, giúp người học nâng cao nhận thức lý luận, củng cố lập trường tư tưởng, bồi đắp tình cảm, niềm tin cách mạng; đồng thời từng bước hình thành, hoàn thiện kỹ năng đấu tranh, bảo vệ những giá trị lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tuy nhiên, tính chiến đấu ở không ít bài giảng còn hạn chế, hoặc chưa thể hiện rõ. Bài giảng còn truyền đạt một cách xuôi chiều, chưa đi sâu làm rõ bản chất và những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, luận giải thiếu tính thuyết phục, khi chưa xác định rõ nội dung (vấn đề) hình thức, phương pháp thể hiện tính chiến đấu. Một số giáo viên, giảng viên trẻ có biểu hiện né tránh việc nhận diện những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó ngại thiết kế vấn đề trao đổi, những tình huống mâu thuẫn giữa các trường phái, quan điểm đối lập để bảo vệ giá trị của lý luận.

Để nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức về tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin cho đội ngũ giảng viên và học viên.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức cả người dạy và người học. Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa sâu sắc là nhân tố chủ quan của sự hạn chế, thiếu hiệu lực, hiệu quả về tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin. Trước hết, lãnh đạo, chỉ huy các học viện, nhà trường, trực tiếp nhất là các khoa, bộ môn có nội dung giảng dạy lý luận Mác - Lênin, các cơ quan, đơn vị quản lý học viên, sinh viên phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt vị trí, vai trò, yêu cầu về tính chiến đấu trong giảng dạy đối với đội ngũ giảng viên, học viên. Nội dung giáo dục, quán triệt phải tập trung làm rõ mối liên hệ mật thiết giữa truyền thụ lý luận khoa học với đấu tranh xuyên tạc, phủ nhận lý luận ấy trong giảng dạy, vai trò của nó đối với cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hình thức giáo dục, quán triệt phải được thực hiện một cách đa dạng, phong phú như: thông các diễn đàn khoa học về giảng dạy lý luận chính trị nói chung, lý luận Mác - Lênin nói riêng, các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, hoạt động phương pháp, thông tin khoa học, dự giảng, kiểm tra bài giảng, ra đề thi, đáp án, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm...

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực giảng dạy và nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận Mác - Lênin.

Tính chiến đấu của bài giảng các môn lý luận Mác - Lênin tùy thuộc vào tổng hòa các phẩm chất, năng lực của người giảng viên. Với người giảng viên giảng dạy lý luận Mác - Lênin, bản lĩnh chính trị là “tấm khiên, manh giáp”; còn sự am hiểu tường tận, sâu sắc kiến thức chuyên môn, năng lực phân tích nội dung sâu rộng, kỹ năng nhận diện, đấu tranh phản bác sắc bén chính là “thanh kiếm” của họ.

Bản lĩnh chính trị của giảng viên là sự kết tinh các yếu tố về thể chất và  tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí chính trị theo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, được thể hiện vững vàng trước mọi hoàn cảnh, tình huống chính trị thực tiễn. Bản lĩnh chính trị, trình độ kiến thức, năng lực giảng dạy và nhận diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của giảng viên không phải tự nhiên mà có, mà phải được hình thành, phát triển trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện ở nhà trường và thực tiễn công tác. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên.

Đối với giảng viên giảng dạy lý luận Mác - Lênin, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị là yếu tố hàng đầu, là “bệ đỡ” để họ tự tin, vững vàng đấu tranh một cách triệt để, bảo vệ giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không có bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định, vững vàng, không có sự tỉnh táo, sáng suốt thì tính chiến đấu của bài giảng không thể đúng hướng.

Không thể nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin, nếu như đội ngũ giảng viên chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thấp, trình độ chuyên môn, năng lực hạn chế, nhất là kỹ năng nhận diện, xây dựng tình huống phê phán, phản bác quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ lý luận cách mạng trong bài giảng. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn là quá trình tìm tòi, nghiên cứu để nắm vững, hiểu sâu nguồn gốc, bản chất các nguyên lý, quy luật chính trị - xã hội của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự chuyển biến tất yếu từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời giảng viên phải nắm chắc kiến thức liên ngành như triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin, Nhà nước và pháp luật, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, xã hội học, dân tộc học, quan hệ quốc tế…

Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trình độ kiến thức chuyên môn chuyên ngành, liên ngành là nền tảng tri thức quan trọng để bồi dưỡng năng lực giảng dạy, tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên. Trong đó, bồi dưỡng các kỹ năng thao tác sư phạm, truyền tải hệ thống tri thức gắn với nhận diện, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù  địch, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận các môn lý luận Mác - Lênin là nội dung trọng tâm.

Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng, phương pháp xây dựng và thực hiện tính chiến đấu trong giảng dạy cho đội ngũ giảng viên và học viên. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin. Từ hoạt động này, cả người dạy và người học từng bước hình thành các kỹ năng nhận diện, phân tích, đối chiếu, nêu luận cứ phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy đòi hỏi các chủ thể phải được bồi dưỡng, rèn luyện từ thực tiễn đấu tranh tư tưởng, lý luận. Quá trình giảng dạy, giảng viên và học viên cùng nhau tương tác, tạo ra các tình huống tư duy đấu tranh lý luận; từ đó hình thành, phát triển kỹ năng nhận diện đấu tranh không khoan nhượng với những trào lưu tư tưởng, lý luận đối lập. Bên cạnh đó, giảng viên cần tích cực tham gia các diễn đàn khoa học, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi học thuật, tọa đàm, hội thảo để thể hiện chính kiến, quan điểm của mình; đồng thời có cơ hội cọ xát, bồi đắp năng lực tư duy, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực giảng dạy, kỹ năng thể hiện tính chiến đấu cho đội ngũ giảng viên, đòi hỏi phải phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, ban lãnh đạo, các nhà quản lý các cấp ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, trực tiếp nhất là lãnh đạo, quản lý các khoa giáo viên có nhiệm vụ giảng dạy lý luận Mác - Lênin; đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của học viên - đối tượng tương tác trong hoạt động này.

Ba là, kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu, định hướng đấu tranh cho đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác – Lênin.

Tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin được nâng cao, thiết thực, hiệu quả nếu luôn kịp thời nắm bắt và đấu tranh kịp thời với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, phản động nảy sinh, những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng mới xuất hiện trong đời sống xã hội. Trong khi đó, không cá nhân giảng viên nào, dù tích cực và nhạy bén nhất, có thể đủ khả năng nắm bắt kịp thời mọi vấn đề, có đủ tư liệu, thông tin để đấu tranh tức thì một cách hiệu quả.

Hiện nay, hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng đang được tổ chức chặt chẽ, với các lực lượng chuyên trách hoạt động có tính chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, cần phát huy tốt vai trò của các cơ quan, lực lượng trong nắm bắt thông tin, kịp thời cung cấp cho các “đầu mối” tiến hành hoạt động đấu tranh tư tưởng lý luận, trong đó chú trọng các cơ sở giáo dục, đào tạo. Thông tin cung cấp cần phải nhanh chóng, cập nhật, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng, bức xúc; những luận điệu và hoạt động chống phá nguy hiểm; đồng thời phải có định hướng rõ ràng về quan điểm, chủ trương, phương châm đấu tranh. Dưới tác động của công nghệ thông tin hiện đại, dòng thông tin luân chuyển liên tục, thông tin sinh ra thông tin, song thông tin cũng giết chết thông tin; thì việc bảo đảm tính cập nhật, kịp thời thông tin chính thống là dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác giảng dạy chất lượng, hiệu quả.

Bốn là, thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách, cơ chế phù hợp đối với giảng viên giảng dạy lý luận Mác - Lênin.

Để nâng cao chất lượng bài giảng nói chung, tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin nói riêng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cần quan tâm bảo đảm các điều kiện cần thiết như: cơ sở vật chất nơi làm việc, giảng đường, thư viện, phòng hoạt động phương pháp, cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho biên soạn bài giảng và thực hành giảng bài. Tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các cuộc hội thảo, diễn đàn khoa học về giảng dạy lý luận chính trị, về đấu tranh tư tưởng, lý luận; tham gia nghiên cứu đề tài các cấp, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học… nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng tư duy lý luận. Trong tập thể các khoa, bộ môn giáo viên, cần tạo dựng được môi trường dân chủ, nhân văn để mọi cán bộ, giảng viên có thể tham gia các hoạt động trao đổi, tọa đàm, nhất là về các vấn đề mới, khó, những quan điểm trái chiều, những luận điệu chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, qua đó vừa nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, vừa nâng cao trách nhiệm của giảng viên trong thực hành tính chiến đấu của bài giảng.

Bên cạnh đó, tính chiến đấu cần được xác định trong quy chế, quy định về đánh giá chất lượng của bài giảng; ý thức, trách nhiệm, năng lực giảng dạy, cũng như tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của giảng viên.

Năm là, phát huy tính tích cực, tự giác của giảng viên trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin.

Nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin sẽ chỉ là khẩu hiệu chung chung, phi hiện thực nếu không phát huy tính tích cực, tự giác của giảng viên. Đòi hỏi mỗi giảng viên cần phát huy tính tích cực chính trị, đề cao lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo đối với nhiệm vụ giảng dạy và đấu tranh bảo vệ, phát triển các môn lý luận Mác - Lênin trong bối cảnh hiện nay. Giảng viên, đồng thời là đảng viên cộng sản, phải coi việc đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin là trách nhiệm vinh quang, là sự cống hiến vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Giảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, rèn luyện phẩm chất, năng lực giảng dạy, đấu tranh tư tưởng, lý luận; đồng thời nêu gương “tự soi, tự sửa” để không ngừng hoàn thiện bản thân, xứng đáng là nhà giáo mẫu mực - chiến sĩ tiên phong tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Lãnh đạo, quản lý các cấp cần thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá, phân loại, biểu dương, khen thưởng; đồng thời kịp thời rút kinh nghiệm, bồi dưỡng, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của giảng viên.

Tóm lại, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao, thì nâng cao tính chiến đấu trong giảng dạy lý luận Mác - Lênin là một phương thức cần được quan tâm và đầu tư nghiêm túc. Đòi hỏi, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, trước hết là các cơ sở giáo dục, đào tạo cần được phát huy; trong đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy giữ vai trò trực tiếp quyết định./.

__________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.17,  tr.19.

 
Tin tức hoạt động khác:
Đoàn thanh niên - Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc: Nói chuyện truyền thống kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 (19/12/2023)
XÃ HƯNG LỘC: THÂM NHẬP TUYỂN CHỌN GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ NĂM 2024 (06/1/2024)
Đoàn phường Lê Mao: phối hợp với Hội CCB phường Lê Mao tổ chức buổi nói chuyện truyền thống “ Bác kể chúng cháu nghe”. (19/12/2023)
Đoàn phường Lê Mao: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào TTN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. (19/12/2023)
Thành đoàn Vinh: Xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động” năm 2023 (15/10/2023)
Thành đoàn Vinh : Xây dựng mô hình "Cán bộ Đoàn trách nhiệm" về rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác cán bộ Đoàn năm 2023 (25/10/2023)
THÀNH ĐOÀN VINH : TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH HƯỚNG NGHIỆP GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN (25/10/2023)
Thành Đoàn Vinh : Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (9/9/2023)
Đoàn phường Hồng Sơn: Hiệu quả từ mô hình CLB thanh niên khởi nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế (20/9/2023)
Tuổi trẻ thành phố Vinh đồng hành cùng các xã về đích Nông thôn mới nâng cao năm 2023. (13/3/2023)
TP Vinh: Hỗ trợ phát triển sản phẩm của đạt chuẩn OCOP (Trà sen Nghi Kim) (30/08/2023)
Thành đoàn Vinh : Trang trại nho Đà lạt trên đất Thành Vinh (20/06/2023)
THÀNH ĐOÀN VINH : Phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh tài năng trẻ Thành Vinh (13/10/2023)
Thành phố Vinh: 97 học sinh được tuyên dương “Học sinh 3 tốt” năm học 2022 - 2023 (1/6/2023)
Thành phố Vinh: Xúc động lễ tri ân và trường thành “Khi tôi 18” (30/5/2023)
     
 
Thành đoàn Thành phố Vinh
Địa chỉ: Số 25 – Lê Mao – TP. Vinh – Nghệ An
Điện thoại: 02383.598346
Email: thanhdoanvinh@gmail.com - Website: http://thanhdoanvinh.gov.vn
 
Facebook chat