Về mục đích, Bác viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”.
Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích.
Mục đích sự tổ chức công tác là: động viên toàn thể nhân dân hăng hái thi hành chính sách đã định.
Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”. Mà muốn biết sự động viên ấy và sự thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra” (1).
Sau khi nêu rõ mục đích của công tác kiểm tra, Bác nhấn mạnh:
“Có kiểm tra mới phát huy được tinh thần tích cưvcj và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời” (2).
Bác phê phán những địa phương, những bộ phận, nhận thức chưa đầy đủ về công tác kiểm tra.
“Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy” (3).
Về cách kiểm tra, Bác chỉ rõ phải thực hiện tốt ba điểm:
1. Kiểm tra phải có hệ thống. Nghĩa là khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn.
2. Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi.
3. Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy (4).
Cuối cùng là:Người kiểm tra. Theo Bác thì công tác kiểm tra đạt được kết quả hay không tuỳ thuộc vào những cán bộ được giao nhiệm vụ. Về điểm này Bác nhấn mạnh: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín.
Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”(5).
Bác đánh giá tất cao tầm quan trọng của công tác kiểm tra: Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết diểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gắp trăm (6).
Hơn hai năm sau, tháng 2-1951, trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai, Bác lại một lần nữa nói đến tầm quan trọng của công tác kiểm tra. Trong phần “Sửa chữa những khuyết điểm sai lầm”. Bác nêu rõ: Đảng ta thành tích khá nhiều, nhưng khuyết điểm cũng không ít. Chúng ta cần phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố sửa chữa để tiến bộ”(7).
Tiếp đó, Bác lần lượt nêu lên những bệnh mà trong Đảng còn mắc phải” “Bệnh quan liêu tỏ ra ở chỗ thích giấy tờ, xa quần chúng, không điều tra nghiên cứu, không kiểm tra theo dõi việc thi hành, không học tập kinh nghiệm của quần chúng.
Bệnh mệnh lệnh tỏ ra ở chỗ hay dựa vào chính quyền mà bắt dân làm, ít tuyên truyền giải thích cho dân tự giác, tự động.
Bệnh hẹp hòi tỏ ra ở chỗ đơi với người ngoài Đảng nhiều khi quá khắt khe, hoặc phớt người ta đi, không chịu bàn bạc, hỏi han ý kiến.
Còn bệnh công thần thì tỏ ra như thế này:
- Cậy mình có mộtm ít thành tích, thì tự kêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm...
- Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ” (8).
Cuối cùng Bác vạch rõ: “Những đồng chí mắc bệnh ấy không hiểu rằng: mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng” (9).
Những bệnh mà Bác nêu ra cách đây 50 năm, chúng ta phải nghiêm khắc mà tự nhận thấy rằng, nó vẫn tồn tại trong Đảng, thậm chí có bệnh còn nặng hơn như bệnh quan liêu xa rời quần chúng, bệnh mệnh lệnh dựa vào chính quyền mà bắt dân làm...
Điểu kỳ diệu là ngay từ hồi ấy, Bác đã chỉ ra nguyên nhân chính xác của các căn bệnh: Trong Đảng có những bệnh ấy và bệnh khác, Trung ương cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Vì Trung ương chưa chú trọng việc kiểm tra... Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện rộng rãi. Phê và tự phê chưa thành nề nếp thường xuyên (10).
Cuối phần này, Bác đề ra phương hướng để khắc phục các bệnh đã mắc phải: “Từ nay, Đảng phải tìm cách giáo dục chủ nghĩa cho phổ biến, để nâng cao tư tưởng chính trị của đảng viên. Phải phát triển lối làm việc tập thể. Phải củng cố mối liện hệ giữa Đảng và quần chúng. Phải đề cao tinh thần kỷ luật... Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra chặt chẽ” (11).
Những lời dạy của Bác cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nóng hổi tính thời sự đối với chúng ta hôm nay. Kỷ niệm 50 năm truyền thống ngành kiểm tra của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những lời dạy của Bác để cùng toàn dân đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.