Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Từ đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đến một số vị lãnh đạo chủ chốt sau này đều từng là học trò trực tiếp của Người. Tuy nhiên, mỗi lần đề cập tới quá trình hình thành và phát triển của Đảng, tới truyền thống của Đảng, bên cạnh những đánh giá, nhận xét khách quan, khoa học (về những mặt ưu và khuyết điểm), bao giờ người cũng dành những lời lẽ chan chứa tự hào để ca ngợi Đảng, không phải theo kiểu “thầy khen trò” mà như thể người con bày tỏ tình cảm của mình trước công đức biển trời của cha mẹ.
Năm 1949, trong bài “Đảng ta”, nhân nhắc đến gương hy sinh oanh liệt của các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ..., Bác đã gọi những người mà tuổi đời đều thuộc lớp hậu sinh so với mình là “các tiên liệt” và khẳng định “máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta”, làm cho cây nó càng vững, nhành nó càng to và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.
Hai năm sau, trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, lại một lần nữa Bác nhắc lại ý này và yêu cầu: “Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”. Phải chăng, chính từ câu nói của các Bác đã truyền cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu sau này - trong diễn ca “Ba mươi năm đời ta có Đảng” - viết nên những câu ân tình:
Như đã nói, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Bác luôn có những nhận xét, đánh giá khách quan, khoa học các mặt “được” và “chưa được” trong tổ chức, điều hành của Đảng, trong đường lối, chủ trương của Đảng cả ở quá khứ và hiện tại, song bao giờ cũng trên tinh thần không vì tiểu tiết mà quên đại cục. Trong bản Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ II, Người đưa ra một nhận định có tính khái quát rất cao: “Điểm lại từ ngày thành lập đến nay, nói chung chủ trương của Đảng ta đúng. Không đúng sao lập được thành tích lớn lao như ngày hôm nay?”.
Điều đặc biệt là khi đánh giá phẩm chất của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ cương vị chủ chốt của Đảng, Bác luôn đề cao đức hy sinh... Như trong tài liệu nhắc tới trên, Người không quên ghi công những đồng chí lãnh đạo Đảng từng được Quốc dân Đại hội ở Tân Trào hồi tháng 8/1945 bầu vào Ủy ban Trung ương- những người “đáng lẽ tham dự Chính phủ (tức Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường cho những nhân sỹ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh”. Và Người khẳng định: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”, là một cử chỉ “đáng kính mà chúng ta phải học”.
Hẳn vì những thành tích to lớn của Đảng, cùng với việc Đảng luôn quy tụ được những con người có phẩm chất đáng quý như vậy, nên trong Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960), Bác đã bày tỏ cảm xúc của mình với Đảng quang vinh bằng một cách nói rất ấn tượng:
Không chỉ phát biểu bằng lời, cũng trong dịp kỷ niệm này, Người còn làm thơ (bài “Đảng ta”): “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao / Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình / Đảng ta là đạo đức, là văn minh / Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no / Công ơn Đảng thật là to / Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Vâng, không phải lúc nào “văn minh” cũng đi kèm “đạo đức”, nên cụm từ “đạo đức”, “văn minh” trong câu thơ trên thể hiện ở Bác một niềm tự hào chan chứa về truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của Đảng ta.