Văn bản  |  Album ảnh  
VIDEO CLIPS
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0383.844572

Văn phòng - 0383.844572
Hôm nay: 178  - Tất cả: 4,029,804
 
 
THÀNH ĐOÀN VINH | THÀNH ĐOÀN VINH Bản in
 
Phê phán quan điểm lợi dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Tin đăng ngày:1/11/2023 - Xem: 206
 

Trên các diễn đàn hiện nay, ít có vấn đề nào được luận bàn sôi nổi như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tìm kiếm bằng Google, thống kê vào tháng 3 - 2023 có hơn 51 triệu kết quả bằng tiếng Việt và hơn 55 triệu kết quả bằng tiếng Anh về vấn đề này... Về đại thể, một mặt, các nghiên cứu gần đây đề cập đến những thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống nhân loại nhờ ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mặt khác, các nghiên cứu cũng đề cập đến khá nhiều thách thức cũng như vấn đề mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra. Có nhiều vấn đề mới mẻ (chẳng hạn sở hữu tư liệu sản xuất là dữ liệu) hoặc là những vấn đề cũ, nhưng mang sắc thái mới (bóc lột, áp bức, bất công trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).    

SỨ MỆNH LỊCH SỬ TOÀN THẾ GIỚI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN LÀ PHÁT KIẾN KHOA HỌC VĨ ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC

Nội dung cơ bản của học thuyết này là: Giai cấp công nhân (GCCN) là sản phẩm và là chủ thể của các cuộc cách mạng công nghiệp. Phương thức sản xuất công nghiệp, phương thức bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản, môi trường đấu tranh giai cấp hiện đại với giai cấp tư sản đã rèn luyện cho GCCN những phẩm chất cách mạng, như GCCN là giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất đại diện cho lực lượng sản xuất (LLSX) hàng đầu của nhân loại; được “đại công nghiệp” và đấu tranh giai cấp hiện đại rèn luyện nên GCCN có tác phong lao động hợp tác, kỷ luật, sáng tạo, tính tổ chức. Là giai cấp gắn liền với quá trình sản xuất mang tính chất xã hội hóa, nhưng trong quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, họ bị bóc lột giá trị thặng dư. Phần dôi ra từ lao động sống của người công nhân bị chủ tư bản chiếm không chính là bản chất kinh tế - xã hội của phương thức bóc lột giá trị thặng dư tư bản chủ nghĩa. Đại diện cho LLSX tiên tiến, lãnh đạo các giai cấp bị bóc lột, áp bức đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản để xác lập một xã hội mới với các giá trị công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là sứ mệnh mà lịch sử trao cho GCCN hiện đại.

Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là phát kiến khoa học vĩ đại của chủ nghĩa Mác _Nguồn: Tư liệu

Cho đến nay, lịch sử đã chuẩn bị các điều kiện, tiền đề vật chất cho sự nghiệp giải phóng GCCN và các giai cấp bị áp bức bóc lột, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và sự trưởng thành của GCCN. Dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản - chính đảng của GCCN, GCCN cùng nhân dân lao động thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa hoặc cách mạng giải phóng dân tộc để tiến hành xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự nghiệp giải phóng giai cấp, dân tộc, nhân loại; sự nghiệp giúp cho con người được phát triển trong một xã hội lao động, hòa bình, công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do đã có những cơ sở hiện thực. Lý tưởng ấy, với sứ mệnh lịch sử của GCCN lần đầu tiên đã xuất hiện khả năng hiện thực và có thể hiện thực hóa(1).

Sứ mệnh lịch sử của GCCN, theo V.I. Lê-nin, được coi là “điểm trung tâm, nội dung chủ yếu của học thuyết Mác” và là cơ sở lý luận cho chủ nghĩa xã hội hiện đại.

Đáng lưu ý là, từ các thành tựu kỹ thuật và các vấn đề về xã hội đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có một số luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN.

NHẬN DIỆN MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM MƠ HỒ, SAI LỆCH LIÊN QUAN ĐẾN SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRONG CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ 

Thứ nhất, một số luận điểm mơ hồ về nền sản xuất hiện đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phải chăng những yếu tố, như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, tự động hóa... sẽ thay thế hoàn toàn lao động của con người?

Đã có những dự đoán về tỷ lệ công việc hiện nay dễ bị tự động hóa. Các con số khác nhau đôi chút, nhưng thông điệp chung là tự động hóa sẽ thay thế nhiều công việc có quy trình, thao tác có tính lặp lại và thâm dụng nhiều lao động... Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh đưa ra một dự báo rằng, sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống ở Anh và Mỹ bị mất việc làm trong khoảng 20 năm tới (chiếm khoảng 50% số lao động ở hai nước này)(2). Nhà tương lai học Thomas Frey(3) dự báo, khoảng 2 tỷ việc làm (50% số công việc hiện nay) sẽ “biến mất” vào năm 2030. Theo đó, các nghề luật sư/tư vấn pháp lý, tư vấn du lịch, lái xe taxi, công nhân khai thác than, kiểm soát không lưu... sẽ bị robot, dữ liệu lớn (Big data) thay thế.

Một số lao động trình độ cao cũng có thể bị tự động hóa can thiệp; trên thực tế, hiện nay đã xuất hiện một số dạng thức công việc của một số nghề được thay thế bằng robot, chẳng hạn luật sư, bác sĩ, phóng viên... Kèm theo đó là những dự báo trong tương lai gần (thời điểm năm 2030 thường được lựa chọn) về tốc độ tự động hóa nhanh chóng và các biến đổi nghề nghiệp do AI và robot tham gia vào sản xuất, dịch vụ...

Theo đó, cũng có những suy đoán rằng, phải chăng máy móc sẽ có thể thay thế hoàn toàn lao động của con người? Thậm chí, trước khả năng tự động hóa công việc do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số nghiên cứu gần đây đã đưa ra một dự báo về xuất hiện khả năng thừa lao động. Học giả Y.N. Harari (năm 2019) gọi đó là “sự vô dụng” của số đông. Hàm ý diễn đạt của Harari là khi ứng dụng AI, robot, thành tựu sinh học... của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng công nghiệp nối tiếp sau nữa, rất có thể sẽ xuất hiện hiện tượng có nhu cầu về lao động mà không cần sử dụng nhân công. Nhiều quá trình sản xuất và dịch vụ vẫn có thể hoạt động bình thường mà không cần thuê mướn nhân công, vì robot và AI đã có thể thay thế. Từ đó, những người này suy đoán rằng nhân loại sẽ chứng kiến “một bất bình đẳng mới”.

Thực ra, lao động của con người, đặc biệt là mảng lao động có tính phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác xã hội trong công việc, rất cần đến những “kỹ năng mềm”, chẳng hạn như liên kết ý chí, xác lập sự đồng thuận xã hội, giải quyết những khác biệt về lợi ích, tìm kiếm các giải pháp mới hoặc cân nhắc giữa kết quả công việc với hệ quả về đạo đức, nhân tính,... Những tính chất lao động phức tạp này đều hiện diện ở hầu hết lĩnh vực, ngành, nghề và đều mang có những yêu cầu riêng. Hiện nay, AI và robot chưa thể có được những phẩm chất này. Sự khác biệt chính là ở chỗ: Trong khi con người có năng lực ứng biến, sáng tạo, xử lý công việc một cách linh hoạt thì các thiết bị, máy móc lại được thiết lập để hoạt động theo quy trình “cứng nhắc”. Theo đó, lao động của con người mang tính sáng tạo, nhân bản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, là những phẩm chất rất cần thiết, mà máy móc không thể thay thế cho những phẩm chất này của con người.       

Câu hỏi ở đây là: Có còn sự bóc lột trong sản xuất hiện nay?

Đây cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên bình diện hiện tượng, người ta thấy nhiều doanh nghiệp rất ít công nhân, cùng làm việc với họ là một hệ thống tự động bao gồm khá nhiều máy móc, thiết bị quan sát, cảm ứng để kiểm tra, hỗ trợ điều tiết và thay thế cho hoạt động của con người. Nhiều công đoạn đã do robot đảm nhiệm; vì vậy, có một số người biện bạch rằng, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang “bóc lột máy móc” (!?) chứ không phải là bóc lột công nhân như trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Thực ra, bản chất của bóc lột giá trị thặng dư tư bản chủ nghĩa là “phần dôi ra từ lao động sống của người công nhân bị nhà tư bản chiếm không”. Đây là nhận thức khoa học đã được C. Mác luận chứng trong học thuyết của mình. Những hoạt động của máy móc đều là những hoạt động dựa trên thành quả của lao động quá khứ, nó không tạo ra giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư chỉ được tạo ra từ lao động sống của người công nhân. Hiện nay, trong những dây chuyền sản xuất hiện đại, tuy có ít công nhân, nhưng họ có vai trò rất lớn. Và, chính họ là người quyết định quy trình, hiệu quả sản xuất. Lao động sống của người công nhân trong sản xuất hiện đại có khi chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dãy công việc, nhưng lại là nơi tạo ra giá trị lớn cho sản xuất hàng hóa.

Cuối cùng, vấn đề mấu chốt đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cũng giống như trong lịch sử của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây) là: Giá trị thặng dư của sản xuất được phân phối như thế nào? Hiển nhiên, nhà tư bản vẫn là người chiếm hữu phần lớn nhất và công nhân vẫn là người bị bóc lột giá trị thặng dư. Chỉ có sự khác biệt là, cùng với quá trình toàn cầu hóa mang đậm tính chất tư bản chủ nghĩa hiện nay, quy mô bóc lột lao động đã mở rộng ra toàn cầu (thông qua sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia - TNC); trình độ bóc lột đã được “nâng cấp” thông qua độc quyền công nghệ, qua sự bất bình đẳng trong thương mại quốc tế (do các nước giàu áp đặt với các nước nghèo)(4).

Thứ hai, một số luận điểm sai lệch phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giai cấp công nhân có còn là giai cấp tiên tiến nhất trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Từ hiện trạng của GCCN trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, có thể thấy, tuy họ có thể bị phân hóa thành nhiều tầng lớp gắn liền với các trình độ công nghệ khác nhau, nhưng tất cả đều hợp thành LLSX của nhân loại hiện đại. Họ là giai cấp có vai trò quyết định quá trình sản xuất vật chất và dịch vụ bằng phương thức công nghiệp. Sự phát triển của từng quốc gia tùy thuộc vào năng lực sản xuất, trình độ dịch vụ khi so sánh. Năng lực sản xuất và trình độ dịch vụ lại phụ thuộc vào công nghệ và quy mô sản xuất. Cả hai lĩnh vực đó lại phụ thuộc vào trình độ sáng tạo và làm chủ công nghệ của công nhân. Chính GCCN là chủ thể của nền sản xuất hiện đại, vì công nghệ phải luôn gắn liền với công nhân.

Phát triển luôn gắn liền với các cuộc cách mạng công nghiệp, chính công cụ sản xuất và quy trình sản xuất hiện đại đã và sẽ tạo ra GCCN - “sản phẩm” xã hội của nó. Kinh nghiệm của lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây cho thấy, mỗi khi công nghệ mới ra đời thì chính nó sẽ tạo ra những thế hệ mới của GCCN phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, luận điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen: “Giai cấp công nhân là sản phẩm của đại công nghiệp” chính là một tổng kết có tính phương pháp luận.

Các nghiên cứu hiện đại về nhu cầu nhân lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng cho thấy: “Việc làm sẽ tăng đối với loại công việc trí tuệ, sáng tạo với mức lương cao và loại công việc chân tay thu nhập thấp, nhưng sẽ giảm đáng kể đối với các loại công việc đều đặn, lặp đi lặp lại với thu nhập trung bình”(5). Tại Cộng hòa Liên bang Đức, “ước tính đến năm 2025, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo thêm khoảng 350.000 việc làm, tăng 5% so với lực lượng lao động 7 triệu người trong 23 ngành sản xuất hiện đang tham gia nghiên cứu. Việc phổ biến robot và công nghệ máy tính sẽ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản xuất, nhưng sẽ có 960.000 công việc bổ sung. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, phân tích và R&D đòi hỏi thêm 210.000 nhân sự có tay nghề cao”(6).

Theo đó, GCCN ngày càng đa dạng về nghề nghiệp và hiện đại hóa cùng với  cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số nghề nghiệp mới xuất hiện vài thập niên gần đây cho thấy điều đó. Chẳng hạn như: lập trình viên, quản trị dữ liệu, phân tích “pháp y” dữ liệu điện tử, quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh, nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống “thị giác” công nghiệp, kỹ sư mạch tích hợp, nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến, dạy học trực tuyến...           

Giai cấp công nhân có còn đại diện cho tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất?

Hiện nay, tuy mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thể hiện trình độ xã hội hóa khá cao của sản xuất và dịch vụ. Các biểu hiện của nó là liên kết sản xuất toàn cầu thông qua các công cụ, như “kết nối vạn vật” (IoT), sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và cùng với đó là các điều ước quốc tế về thương mại với các quy mô khác nhau tạo nên chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ngày nay, GCCN hiện đại tham gia vào nhiều lĩnh vực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tính chất xã hội hóa của lao động hiện đại không chỉ thể hiện ở những liên kết rộng lớn và nhiều chiều, mà hiện nay một số khía cạnh của yêu cầu phát triển bền vững, nhân bản, hài hòa... cũng đều thể hiện ra trong yêu cầu về công việc và đạo đức nghề nghiệp của công nhân. Gắn liền với phương thức sản xuất công nghiệp, là LLSX hàng đầu của nhân loại, vì thế tính chất xã hội hóa của GCCN là một tính chất hữu cơ của giai cấp này.

SỨ MỆNH LỊCH SỬ ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI VẪN THUỘC VỀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN 

Sứ mệnh hàng đầu của GCCN là bằng phương thức lao động công nghiệp để sản xuất ra của cải vật chất ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cho quá trình phát triển của nhân loại; từ đó, tạo ra các tiền đề, điều kiện vật chất cho sự tồn tại, phát triển của xã hội hiện đại.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và từ thực tiễn hiện nay, có thể thấy GCCN ở tất cả quốc gia với trình độ phát triển khác nhau vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình với nhiều trình độ, cách thức khác nhau. Thậm chí, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hiện nay, chính GCCN ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, bằng việc làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại, với năng suất lao động cao... lại đang đóng góp tích cực cho việc thực hiện nội dung kinh tế - kỹ thuật của sứ mệnh lịch sử ấy. 

Những phân tích sau đây có thể góp phần làm rõ hơn nhận thức liên quan đến vấn đề này.

Một là, cho dù tri thức, kiến thức khoa học có vai trò to lớn, nhưng xã hội phát triển hiện đại không vì thế mà không cần đến sản phẩm vật chất để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của mình (chẳng hạn ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, xây dựng, chữa bệnh,...). Tất cả nhu cầu ấy lại chỉ có thể được thỏa mãn thông qua sản xuất vật chất, mà chủ yếu là thông qua sản xuất công nghiệp. Chỉ có sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp mới có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của gần 8 tỷ con người trên trái đất hiện nay. Theo đó, nhân loại vẫn cần tới sản xuất vật chất và lao động của GCCN để tồn tại và phát triển.

Hai là, GCCN hiện đại đang được trí thức hóa, trí tuệ hóa trong các cuộc cách mạng công nghiệp gần đây. Yêu cầu khách quan của sản xuất hiện đại và vận hành nền sản xuất công nghiệp hiện đại buộc GCCN không ngừng nâng cao năng lực lao động, làm chủ khoa học và công nghệ. Hiện nay, khoảng 40% công nhân của các nước G7 có trình độ đại học; thậm chí, thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO, năm 2002) chỉ ra rằng, gần 70% công nhân Nhật Bản có trình độ đại học. Với trình độ như vậy, trên thực tế, người ta đã dùng khái niệm “công nhân - trí thức” để chỉ nhóm lao động trình độ cao này. Theo đó, quan niệm coi công nhân “là người lao động thừa hành, trình độ học vấn thấp” đã lạc hậu và bất cập với thực tế.

Ba là, sứ mệnh lịch sử của GCCN tự nó đã mang một hàm lượng tri thức rất lớn và bản thân GCCN cũng đang trí tuệ hóa, đang tạo ra một lớp trí thức - công nhân trong lực lượng lao động của mình. Họ là các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ đang hằng ngày hoàn thiện và phát triển công nghệ để tăng năng suất lao động, bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Xã hội gọi nhóm lao động này là trí thức - công nhân hay nguồn nhân lực trình độ cao. Theo đó, cả về lý luận và thực tiễn, sứ mệnh lịch sử của GCCN không xa lạ gì với kho tàng tri thức, tầng lớp trí thức, nền khoa học hiện đại. Vì thế, việc tách rời tri thức với quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của GCCN là một cách tiếp cận, cái nhìn phiến diện.

Bốn là, trí thức là nhóm lao động sản xuất ra các giá trị tinh thần; còn công nhân là nhóm trực tiếp lao động sản xuất vật chất. Sản xuất vật chất, các quá trình kinh tế, xét đến cùng, bao giờ cũng là yếu tố quyết định nhất. Tầng lớp trí thức và lao động của họ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển hiện đại, nhưng bao giờ cũng cần đến việc chuyển hóa những giá trị tinh thần đó vào thực tế sản xuất xã hội. Những công thức, ý tưởng sáng tạo, phần mềm (software), hay nói chung là phát kiến khoa học, đều cần tới công nghệ để thể hiện ra giá trị của mình.

Trên thực tế, nhiều sản phẩm tinh thần chỉ có thể bộc lộ giá trị thông qua việc “hóa thân” vào những ứng dụng công nghệ. Khoa học cần đến công nghệ để thể hiện ra, công nghệ cần khoa học để tiến hóa. Hai quá trình thực tiễn này hiện nay đã “xích lại gần nhau” trong một lĩnh vực hoạt động thường được gọi là “Cách mạng khoa học và công nghệ”. Thông qua thực tiễn đó, có thể nhận định: Sản xuất vật chất là cái quyết định, cùng với sản xuất tinh thần là để phục vụ cho quá trình tồn tại của xã hội. Tuy sáng tạo tinh thần như khoa học, văn hóa... cũng có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại, nhưng rõ ràng, nếu chỉ riêng yếu tố tinh thần thì chưa tạo đủ nền tảng cho sự phát triển.

Năm là, sứ mệnh lịch sử thực chất là sự nghiệp của một giai cấp đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo xã hội xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới. Để làm tròn trách nhiệm ấy, buộc giai cấp có sứ mệnh lịch sử phải đạt được những yêu cầu, đặc điểm riêng, cụ thể là: 1- Phải là giai cấp đại diện cho LLSX tiến bộ xã hội, bao gồm cả về kinh tế (xu thế phát triển sản xuất) và chính trị (đại diện cho xu thế dân chủ hóa);  2- Phải là đại diện cho lợi ích chung của xã hội, các giai tầng xã hội và cả dân tộc; 3 - Phải có một hệ tư tưởng riêng, vừa phản ánh nhận thức về quy luật vận động đương thời, vừa thể hiện tính tiền phong về lý luận; 4 - Phải có kết cấu, tổ chức chặt chẽ với một hạt nhân là chính đảng của giai cấp(7).

Một giai cấp muốn đảm nhận sứ mệnh lịch sử là xác lập một hình thái kinh tế - xã hội mới phải đáp ứng các điều kiện trên. Trí thức không hội đủ các điều kiện ấy. Ngộ nhận về sự tăng lên của vai trò trí thức trong phát triển hiện đại đôi khi khiến người ta lãng quên những mối quan hệ, các đặc điểm và vị thế của trí thức trong xã hội. Trí thức có đóng góp trong việc khái quát những tri thức lý luận và nâng cao trình độ nhận thức của phong trào công nhân. Trí thức có thể cùng với GCCN và nhân dân làm nên lực lượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, GCCN cần đến sự hợp tác của trí thức và tự mình nâng cao tri thức, kỹ năng lao động hiện đại... Nhưng chỉ GCCN mới có đầy đủ năng lực đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa.

MỘT VÀI KẾT LUẬN BƯỚC ĐẦU

Thứ nhất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trình độ mới của sản xuất vật chất và cung cấp những tiền đề mới cho tiến bộ xã hội.   

Các cuộc cách mạng công nghiệp nối tiếp nhau là thành tựu của văn minh nhân loại; qua đó, nâng tầm vóc của con người và tăng thêm khả năng, năng lực giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường, sinh thái. Cho dù ở trình độ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhân loại vẫn tiếp tục phải sản xuất ra của cải vật chất với phương thức sản xuất công nghiệp ở các trình độ xã hội hóa cao hơn. Đây là quy luật của cuộc sống, của nền văn minh trên trái đất.  

Có một vấn đề có tính quy luật là: Mỗi bước tiến trên quá trình chinh phục tự nhiên, chẳng hạn các cuộc cách mạng công nghiệp, thì tuy có thể không đồng thời và “đồng dạng”, nhưng tiếp theo nó, và được nó cung cấp cơ sở hoặc tiền đề, sẽ là những tiến bộ xã hội. Đây là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và con người với con người. Những quan hệ này được chủ nghĩa Mác - Lê-nin khái quát thành quy luật: Quan hệ sản xuất phải phụ thuộc và phù hợp với trình độ của LLSX. Khi LLSX ở trình độ xã hội hóa cao thì quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng trở thành vật cản cho phát triển. Và, nó sẽ bị thay thế bởi một quan hệ sản xuất có hình thái tương ứng với LLSX xã hội hóa. Đó là quan hệ sản xuất công hữu do sứ mệnh lịch sử của GCCN xác lập.  

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay đang hoạt động trong môi trường tư bản chủ nghĩa; theo đó, nhiều công nghệ mới và nhiều thành tựu của văn minh nhân loại đang bị chủ nghĩa tư bản lợi dụng. Và cũng như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra giữa giai cấp đang sở hữu tư liệu sản xuất và đại diện cho thế giới cũ với giai cấp đang sở hữu lao động sống, đang đại diện cho một thế giới mới. Chừng nào còn giai cấp, còn sở hữu tư nhân thì vẫn còn vấn đề bóc lột, áp bức và cuộc đấu tranh cho công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do vẫn còn tiếp diễn và cần đến sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không phải là liều thuốc vạn năng để chữa các căn bệnh xã hội, nhưng nó cũng không thuần túy chỉ là tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật. Nó có thể tạo ra những hiệu ứng 2 chiều về tiến bộ xã hội, như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Vấn đề là ở chỗ, làm sao tận dụng được mặt tích cực, tiến bộ và hạn chế, khắc phục những hiệu ứng tiêu cực, phản phát triển của nó mà thôi. 

Thứ hai, cần có nhận thức đầy đủ hơn về tính hai mặt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.   

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, robot... vẫn có những giới hạn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể mô phỏng các thao tác hoạt động của con người và có thể lựa chọn giải pháp (mà nó cho là tối ưu) trong nhiều phương án đã được nạp vào dữ liệu. Song, nó không có kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng phản biện những tri thức hiện có, kỹ năng phát hiện các vấn đề, giải quyết vấn đề và đưa ra những tri thức mới. Đây lại là những kỹ năng cần cho cuộc sống và là một trong những nội dung của giáo dục - đào tạo hiện đại cho tất cả loại hình lao động. Trí tuệ nhân tạo thể hiện sự “máy móc”, vô cảm trong một số trường hợp, khi chỉ biết đưa ra những quyết định duy lý, thậm chí phi đạo đức, phi nhân tính... Trái lại, yêu cầu đạo đức, mục tiêu nhân bản trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chính là điều mà các nhà khoa học, các nhà quản lý xã hội vì con người đã quan tâm từ rất lâu.

Một số nghiên cứu của các học giả thường quá nhấn mạnh đến những thách thức, vấn đề về kinh tế - kỹ thuật và những hậu quả xã hội tiêu cực mà chưa đề cập đến khả năng giải quyết những vấn đề này của con người trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Họ cũng thường quá nhấn mạnh đến vấn đề từ hiện tại mà không soi chiếu vào kinh nghiệm quá khứ và những đúc kết lý luận từ lịch sử. Họ cũng chưa thấy được tác động tích cực của tiến bộ xã hội, các cuộc cách mạng xã hội trong khi giải quyết các vấn đề của sự phát triển. Đây rõ ràng là sự phiến diện trong nhận thức của một bộ phận người nghiên cứu về vấn đề này.

Vì về lô-gíc, thì đúng như C. Mác đã viết: “... nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành... những lực lượng sản xuất phát triển trong lòng xã hội tư sản đồng thời cũng tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết đối kháng ấy”(8).

Thứ ba, khi đề cập đến những tiến bộ của khoa học và công nghệ, thì không bao giờ được quên khát vọng vĩ đại của con người là được phát triển tự do

Được sống trong công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là lý tưởng của nhân loại. Các cuộc cách mạng công nghiệp nối tiếp nhau đã lần lượt cung cấp thêm cơ sở thực tiễn, tạo thêm những tiền đề cho lý tưởng đó. Những tiến bộ xã hội đồng hành với các cuộc cách mạng công nghiệp ấy, mà điển hình là cách mạng xã hội chủ nghĩa, cũng đang từng bước hiện thực hóa nó. Đó là kinh nghiệm của lịch sử.

Và, cũng thật phi lý, khi văn minh đã tiến những bước ngày càng dài hơn và nhanh hơn, sự nghiệp giải phóng con người đã đạt được nhiều thành tựu lớn hơn, mà vẫn giữ lại nếp tư duy rằng, lao động sản xuất ra của cải vật chất mãi mãi chỉ mang tính chất cực nhọc cổ truyền, coi “bất công, áp bức là định mệnh” của nhân loại,... 

Theo đó, hiện nay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng góp phần tạo thêm tiền đề để giải phóng nhân loại khỏi bất công áp bức và giúp con người tiến gần đến tự do; như cách diễn đạt gần đây của một nhà khoa học, là khiến cho con người từ “homo sapiens” (con người thông minh) dần trở thành “homo deus” (con người “thần thánh”)(9).

C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng dự báo rằng: Xã hội “sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(10). Đó là xã hội cộng sản văn minh. Xây dựng xã hội ấy thông qua các cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng xã hội chủ nghĩa là sứ mệnh lịch sử của GCCN hiện đại./.

PGS, TS NGUYỄN AN NINH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn: tapchicongsan.org.vn

-------------------------

(1) Xem thêm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học (Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị), Chuyên đề: “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và ý nghĩa thời đại ngày nay”, Nxb. Lý luận Chính trị, 2021, tr. 36 - 64
(2) Xem: Trương Thị Thanh Quý: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-12-2017, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/48441/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-voi-viec-phat-trien-nguon-nhan-luc-quan-ly-giao-duc-o-viet-nam.aspx22:28
(3) Thomas Frey là tác giả các cuốn sách: Communicating with the Future (Giao tiếp với tương lai, năm 2011) và Epiphany Z: 8 Radical Visions for Transforming Your Future (Tạm dịch: Hiển thị 8 hình ảnh cơ bản về những thay đổi trong tương lai của bạn, năm 2017).
(4) Xem thêm: Hoàng Ngọc Hải - Hồ Thanh Thủy: “Học thuyết giá trị thặng dư vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-5-2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/hoc-thuyet-gia-tri-thang-du-van-con-nguyen-gia-tri-trong-boi-canh-moi
(5) Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 72
(6) Điệp Lưu - Lê Mỹ: “Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều ngành nghề mới”, báo điện tử Vietnamnet, ngày 3-9-2021, https://vietnamnet.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-tao-ra-nhieu-nganh-nghe-moi-771523.html
(7) Xem thêm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học (Dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị), Chuyên đề: “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và ý nghĩa thời đại ngày nay”, Sđd, tr. 62 - 64
(8) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 13, tr. 16  
(9) Yuval Noah Harari với bộ ba cuốn sách được chú ý trong thời gian gần đây: Sapiens: Lược sử loài người (năm 2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (năm 2016)  21 bài học cho thế kỷ XXI (năm 2018) đã đề cập đến vấn đề này.
(10) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tậpSđd, t. 4, tr. 628   

 
Thành đoàn Vinh khác:
HỘI NGHỊ : TẬP HUẤN PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY SÁNG TẠO CHO CÁN BỘ ĐOÀN VIÊN, THANH THIẾU NHI (19/5/2024)
Thành phố Vinh: tuyên dương 196 “Học sinh 3 tốt” cấp trường năm học 2023 - 2024 (23/9/2024)
Thành đoàn Vinh: Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong trong sáng hơn” (11/9/2024)
THÀNH ĐOÀN VINH: Diễn Đàn Ý TƯỞNG SÁNG TẠO KHKT NĂM HỌC 2023 - 2024 (19/9/2024)
THÀNH ĐOÀN VINH : CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐOÀN VIÊN- TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ PHẦN MỀM QUẢN LÝ ĐOÀN VIÊN (19/9/2024)
Thành đoàn Vinh: HỘI THI "PHỤ TRÁCH SAO GIỎI - SAO NHI ĐỒNG CHĂM NGOAN" NĂM HỌC 2023 - 2024 (15/5/2024)
Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” năm 2024 (5/2/2024)
Thành đoàn Vinh: Chương trình “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm” và Chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai” (4/3/2024)
Thành đoàn - Hội đồng Đội Thành phố tổ chức cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam làm nghìn việc tốt” (30/6/2023)
Thành phố Vinh: tổ chức sân chơi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới”. (17/4/2024)
Thành đoàn Vinh: kỷ niệm 61 năm phong trào "nghìn việc tốt" ngày (24/03/1963 - 24/03/2024) (02/12/2023)
PHONG TRÀO “ĐỌC VÀ LÀM THEO BÁO ĐỘI” (22/3/2024)
Thành đoàn Vinh:Tổ chức hoạt động sinh hoạt Đội số (28/11/2023)
Thành đoàn Vinh: Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội cho Bí thư Đoàn cấp cơ sở (27/3/2023)
Thành đoàn Vinh: Hỗ trợ giúp đỡ các thanh niên yếu thế trên địa bàn thành phố Vinh (29/5/2023)
     
 
Thành đoàn Thành phố Vinh
Địa chỉ: Số 25 – Lê Mao – TP. Vinh – Nghệ An
Điện thoại: 02383.598346
Email: thanhdoanvinh@gmail.com - Website: http://thanhdoanvinh.gov.vn
 
Facebook chat