Môi trường mạng Internet luôn hấp dẫn, chứa đựng kho tàng tri thức và nhiều tiện ích. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trên môi trường mạng, nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn thì trẻ em sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, lừa đảo qua mạng, tiếp cận với các thông tin sai lệch, thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng.
Trẻ em sử dụng Internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành/ nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/ đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/ trực tuyến (58,7%). Cứ 5 trẻ em thì có 3 trẻ cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. 60% trẻ em tự học về kiến thức an toàn khi sử dụng Internet, 56% trẻ em được cha mẹ, người thân trong gia đình hướng dẫn và 53% trẻ em được thầy cô giáo dạy về an toàn Internet. 1 trong 3 vấn đề ưu tiên mà trẻ em muốn Việt Nam hành động nhiều hơn để giải quyết là “bắt nạt qua mạng”.
Một trong năm mục tiêu của Kế hoạch là: “Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cha mẹ, giáo viên, người nuôi dưỡng trẻ về hiện trạng, các nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng và các kiến thức, định hướng trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn trên môi trường mạng”. Để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng điều không kém phần quan trọng đó là cần phải nâng cao các kiến thức, nhận thức cơ bản về các mối nguy hại phổ biến hiện nay trên môi trường mạng.
Luôn chú ý, theo dõi, giám sát hoạt động của con trẻ khi trẻ tham gia không gian mạng.
Nâng cao nhận thức cho trẻ về việc sử dụng internet an toàn, mạng xã hội an toàn: Hiện nay, các mạng xã hội đều có các tiêu chuẩn cộng đồng quy định độ tuổi trẻ được sử dụng mạng xã hội. Ví dụ đa phần các mạng xã hội quy định độ tuổi được phép sử dụng là 13 tuổi. Song rất nhiều bố mẹ không để ý đến các quy định này nên đó là nguyên nhân đầu tiên trẻ thường tiếp cận thông tin không phù hợp. Do đó, quan trọng nhất là nhận thức “Chỉ có trẻ sử dụng khi đủ tuổi và thường xuyên phải chia sẻ cho con các rủi ro con có thể gặp phải và cách đối phó.” Luôn quan tâm, sát sao với những nội dung trên mạng mà con cái đang tiếp cận trên không gian mạng. Quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của con cái, việc không được tham gia các hoạt động ngoài trời dễ dẫn đến việc trẻ nhỏ tìm đến các nội dung giải trí trên mạng.
Đăng Sáng - Thành Đoàn Vinh